Cuộc sống thổ dân giữa đô thị phồn hoa ở Canada
Ngay tại Vancouver, Canada, du khách vẫn có thể thưởng thức món ăn bản địa và khám phá nét văn hóa thổ dân.
Cuộc sống thổ dân giữa đô thị phồn hoa ở Canada
Cái tên Vancouver thường đem đến cảm giác của một thành phố hiện đại, nhưng nơi đây lại ẩn chứa nét văn hóa truyền thống đậm chất của người châu Mỹ bản địa. Đó cũng là một trong những điều hấp dẫn thu hút du khách đến thành phố này.
Thưởng thức những món ăn của người châu Mỹ bản địa
Cá hồi, nai sừng tấm, bò rừng và heo rừng, những món ăn phổ biến nhất của những người châu Mỹ bản địa, nay đã có thể được thưởng thức tại nhà hàng ẩm thực Salmon n ‘Bannock ở Canada, theo CNN.
Nhà hàng của Inez Cook là một trong số những địa điểm nổi tiếng nhất ở Vancouver, nơi du khách có thể tìm hiểu về nền văn hóa của những người bản địa ở British Columbia.
“Chúng tôi có những ngọn núi và đại dương. Nhưng nếu du khách có thể đến và thực sự tham gia vào một số hoạt động văn hóa như những cư dân đầu tiên ở đây, điều đó sẽ khiến chuyến đi của bạn tuyệt vời hơn rất nhiều”, Cook, một cựu tiếp viên hàng không, cho biết.
Sự kết nối với văn hóa bản địa của Cook đã được bén rễ từ nhiều cuộc hành trình trong đời cô. Cô được một gia đình da trắng nhận nuôi từ thập niên 60 đến 80 – khi chính phủ Canada tách rời hàng nghìn trẻ em bản địa ra khỏi gia đình của chúng.
Phải đến khi Cook mở nhà hàng Salmon n ‘Bannock vào dịp Thế vận hội mùa đông năm 2010, cô mới biết quá khứ của mình. Những người Nuxalk – gốc gác của Cook – đã đến thăm nhà hàng khi họ nghe nói về nó, để rồi nhanh chóng kết nối cô với các thành viên trong gia đình ruột thịt ở phía bắc Bella Coola.
Cook đã được nhận tên truyền thống của mình cũng như đoàn tụ hàng trăm người thân ở Bella Coola trong một cuộc thi đấu truyền thống kéo dài ba ngày.
British Columbia là nơi có gần 200 nhóm người gốc thổ dân bản địa đầu tiên, chiếm 1/3 nhóm dân số này tại Canada. First Nations, Inuit và Métis là ba cộng đồng thổ dân đang sinh sống ở Canada.
Các nhân viên của Salmon n ‘Bannock cũng đại diện cho các dân tộc bản địa, ví dụ như thợ làm bánh là người Musqueam, hay đầu bếp trưởng có gốc gác Nuxalk và Cree Métis.
Tại nhà hàng, các món ăn chính mang đậm hương vị thổ dân kết hợp cùng ẩm thực hiện đại là thịt nai sừng tấm vời khoai tây nghiền gốc cần tây, hay cá hồi tự nhiên và bánh mì tacos với thịt bò rừng. Cái tên Bannock cũng có cảm hứng từ một loại bánh mì truyền thống của Scotland. Món này đã có mặt ngay từ những ngày đầu tiên của nhà hàng, ăn kèm với mứt dâu và thạch tuyết tùng. Và cuối cùng, sự kết hợp giữa các nguyên liệu lấy từ đất liền và biển cả càng trở nên đậm đà hơn với một chút rượu vang được làm từ chính các nhà máy bản địa.
Nghỉ ngơi trong một khách sạn phong cách thổ dân
Nếu Salmon n ‘Bannock là nhà hàng bản địa duy nhất phục vụ bữa tối ở Vancouver, Skwachàys Lodge Aboriginal Hotel & Gallery là nơi cung cấp cho du khách những trải nghiệm văn hóa thổ dân nhưng cũng không kém phần tiện nghi.
Khách sạn – được tổ chức phi lợi nhuận Vancouver Native Housing Society sở hữu và điều hành – có 18 phòng hạng sang, được đích thân một nhóm các nghệ sĩ bản địa trang trí.
Nổi bật nhất là Water Suite với điểm nhấn là những gợn sóng được tạo nhờ nước chảy. Các phòng suite khác được trang hoàng bằng nhiều biểu tượng và đồ dùng truyền thống do những người bản địa tạo ra.
Bên cạnh đó, một phòng trưng bày tại Skwachàys Lodge cũng bày bán các tác phẩm được chính các nghệ nhân bản địa sáng tác. Khách sạn này là nơi tổ chức các chương trình hỗ trợ và phát triển nghề nghiệp cho các nghệ sĩ bản địa.
Tour du lịch đến vùng cội nguồn người bản địa
Đất đai và biển cả là hai thành tố đan xen trong các nền văn hóa bản địa, và các nhà khai thác du lịch người bản địa xung quanh Vancouver đang muốn đưa những du khách thành thị hình thành sự kết nối với thiên nhiên.
Candace Campo, chủ sở hữu của Talaysay Tours, cho biết niềm vui của cô là được truyền tải cho những người khác về nguồn gốc và văn hóa thổ dân phong phú nơi đây.
“Những gì cha mẹ, ông bà chúng tôi để lại thật đáng để lưu giữ. Và được làm những công việc liên quan đến mảnh đất này là điều gì đó rất đặc biệt,” Campo, một người Canada gốc Sechelt cho hay.
Talaysay Tours cung cấp một loạt chương trình tham quan và trải nghiệm, từ chuyến đi ngắm đại dương ‘Sail the Salish Sea’ ở Sunshine Coast cho đến tour tham quan ‘Talking Trees’ với những khung cảnh ngoạn mục tại Công viên Stanley ở Vancouver.
Công viên này trước đây từng là nơi sinh sống của những bộ lạc bản địa như Tsleil-Waututh, Musqueam hay Squamish, với diện tích hơn 400 hecta rừng mưa nhiệt đới bao phủ ở vùng West Coast.
Các tour du lịch ‘Talking Trees’ sẽ cho du khách men theo các con đường uốn lượn giữa khung cảnh hùng vĩ để có cái nhìn gần hơn với cuộc sống bản địa ở Tây Red Cedar, như trải nghiệm nhà dài, quần áo dệt và nhiều hoạt động truyền thống khác. Đối với văn hóa bản địa, khu rừng già trong hệ sinh thái thực vật là một bộ phận không thể tách rời.
“Mỗi bộ tộc sử dụng từ 100 đến 150 loài cây khác nhau để làm thực phẩm và thuốc men”, Campo nói. “Thực phẩm và thuốc men đối với chúng tôi là không tách rời. Thực phẩm cũng chính là thuốc. Và tôi nghĩ rằng xã hội phương Tây cũng đang bắt đầu hiểu rằng các chất dinh dưỡng chính là loại thuốc chúng ta cần để có một cuộc sống khỏe mạnh”.
Một doanh nghiệp tổ chức du lịch khác là Takaya Tours còn cung cấp các tour du lịch chèo xuồng hoặc kayak từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Trên đó, du khách vừa được ngắm nhìn rừng rậm và núi non hùng vĩ, vừa được thưởng thức những bài hát thổ dân, hay nghe truyền thuyết về những ngôi làng cổ của người thổ dân xa xưa.
Tìm hiểu nghệ thuật bản địa truyền thống
Ngay khi đặt chân đến sân bay quốc tế Vancouver, du khách đã có thể cảm nhận được hơi thở của nghệ thuật của người châu Mỹ bản địa. Thật vậy, những chương trình giới thiệu nghệ thuật thổ dân được tổ chức khắp thành phố để phục vụ du khách quốc tế.
Một tác phẩm điêu khắc bằng đồng với lớp phủ xanh ngọc bích được đặt ngay tại tầng ba của nhà ga quốc tế sân bay Vancouver thu hút sự chú ý của du khách. Đây là tác phẩm của nghệ sĩ quá cố người Haida, Bill Reid, có tên “Tinh thần của Haida Gwaii: Chiếc xuồng ngọc”.
Reid (1920-1998) là một nghệ sĩ nổi tiếng, vừa là thợ kim hoàn, thợ điêu khắc, nhà điêu khắc và phát thanh viên đài truyền hình CBC, đồng thời cũng là một thành viên của tộc người Raven từ T’aanuu.
Tại trung tâm thành phố là Phòng trưng bày nghệ thuật vùng bờ biển Tây Bắc của Bill Reid, trong đó giới thiệu một số tác phẩm của Reid – đồ trang sức bằng vàng và bạc được kết hợp tài tình với quạ, đại bàng, gấu xám hay ếch – cũng như thành quả của các nghệ sĩ bản địa đương đại khác.
Xăm mình – hoạt động văn hóa không thể thiếu của người châu Mỹ bản địa – là chủ đề của một cuộc triển lãm đương đại có tên “Ngôn ngữ cơ thể: Tái tạo hình xăm văn hóa Tây Bắc”. Chương trình này nhằm nhấn mạnh đến sự hồi sinh của hoạt động xăm mình bản địa trên bờ biển Tây Bắc và sẽ được mở cửa vào ngày 13/1/2019.
Buổi triển lãm bao gồm nhiều tư liệu ảnh chụp và các dẫn chứng về mối liên hệ giữa xăm mình và quần áo hay đồ trang sức truyền thống. Tại đây cũng có nhiều đồ trang sức đặc trưng được chế tác cho giai đoạn sau khi những nhà truyền giáo phương Tây cấm người bản địa xăm mình, hoặc che kín hình xăm.
Bảo tàng Nhân chủng học tại Đại học British Columbia, nằm trên vùng đất tổ tiên của người Musqueam, cũng trưng bày các tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới với điểm nhấn là nghệ thuật bản địa từ bờ biển Tây Bắc.
Bảo tàng ngay bờ sông, nơi trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm lớn nhất thế giới do Bill Reid sáng tác, là một công trình kiến trúc hiện đại lấy cảm hứng từ gỗ tuyết tùng và kiến trúc đặc trưng trong các ngôi làng thổ dân vùng Tây Bắc truyền thống.
GỌI NGAY 1900 1870 (MIỀN NAM), 1900 2045 (MIỀN BẮC) HOẶC (029) 27308668 (MIỀN TÂY) ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN COMBO KHÁCH SẠN + VÉ MÁY BAY GIÁ SIÊU TIẾT KIỆM TỪ IVIVU.COM
Xem thêm các bài viết:
10 điều có thể bạn không biết về Canada
Click đặt ngay Khách sạn khắp Việt Nam và toàn thế giới giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
from » Điểm đến https://ift.tt/2CIfmUW
via IFTTT
Leave a Comment