Người Tana Toraja ở Indonesia chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho “cuộc sống mới” của các thành viên đã khuất trong gia đình.
Bộ tộc chôn người đã mất trên vách đá ở Indonesia
Chuyến xe hơn 20 giờ đưa du khách từ một thị trấn nhỏ ở miền nam đảo Sulawesi, băng qua ngọn núi Latimojong cao gần 3.500 m để đến Tana Toraja. Với người nước ngoài, đây là một trong những nơi phải đến để chứng kiến các nghi thức tang lễ phức tạp của nhóm dân tộc thiểu số.
Được hầu hết các sách du lịch giới thiệu là nghi thức chôn người chết trên những vách đá hay mái những ngôi nhà truyền thống tongkonan. Lễ tang của cộng đồng người Toraja được coi là sự kiện xã hội quan trọng, hàng trăm người tham dự và kéo dài trong vài ngày. Đối với người Toraja, cái chết không phải là một sự kiện bất ngờ, không mang đau buồn. Đó là ngưỡng quan trọng để bước sang thế giới Puya – thế giới của linh hồn. Có lẽ vì vậy mà nơi đây còn được mệnh danh là “vùng đất của cái chết”.
Nghi lễ mổ trâu nước được thực hiện đầu tiên. Những chiếc lều tạm được dựng lên, hàng chục thanh niên tập trung giết mổ những con trâu trong khi đoàn rước của các dòng họ với những vật hiến tế có giá trị dành cho người chết lần lượt đi qua khu vực lễ đài.
Hàng chục con trâu nước bị giết. Họ tin rằng người chết sẽ cần nhiều trâu để hành trình đến “thế giới của linh hồn” được nhanh hơn. Xương trâu sau khi hiến tế được thu thập và treo ở quanh tongkonan – nhà truyền thống.
Hình thức an táng của người Toraja khá đa dạng. Nếu có đủ điều kiện, gia đình sẽ mai táng người chết trong một ngôi mộ bằng đá được chạm khắc, đục đẽo sâu vào trong hốc đá tự nhiên trên vách núi. Việc này khá tốn kém và mất khoảng vài tháng để hoàn thành. Làng Lemo và Kete Kesu là nơi phổ biến hình thức này.
Đi xa hơn về phía bìa rừng phía nam Tana Toraja, bạn sẽ vào nơi người khuất được chôn cất bằng cách treo quan tài trên những vách đá cheo leo bằng tấm đỡ gỗ và dây thừng. Chiếc hòm sẽ nằm trên đó từ vài năm đến hàng chục năm trước khi rơi xuống đất. Ngoài ra, dân làng tạo nên những hốc đá có chiều dài khoảng 2 m rồi đặt những chiếc hòm vào trong. Hình thức này phổ biến ở làng Pala Tokke.
Mộ treo là hình thức được nhiều gia đình sử dụng nhất vì ít tốn kém chi phí. Cấu trúc xã hội của cộng đồng người Tana Toraja cũng được phân chia thành các tầng lớp hạ lưu, trung lưu và thượng lưu thông qua các hình thức mai táng. Sự phân hóa này còn đại diện cho vị thế không chỉ của mỗi gia đình mà còn cả các làng. Người ta tin rằng linh hồn người chết phải trở về quê hương. Vì vậy, sau một thời gian, người sống sẽ đào xác người thân đã chết lên rồi mang đi rửa, mặc quần áo mới và đưa họ về nhà.
Một hình thức mai táng cũng khá phổ biến ở phía bắc Toraja là chôn xác những đứa trẻ chưa mọc răng trong những gốc cây cổ thụ. Cha mẹ đứa trẻ sẽ khoét lỗ trên những thân cây khổng lồ, gói con họ vào các tấm vải và đưa vào trong. Người ta tin rằng nơi này sẽ giúp những đứa bé có thể “hấp thụ” tự nhiên. Lỗ hổng sau đó được niêm phong bằng sợi cọ và khi thân cây hồi phục theo thời gian, cơ thể sẽ được hấp thụ. Hàng chục đứa trẻ được mai táng trong mỗi gốc cây.
Trong xã hội Toraja, nghi thức tang lễ là sự kiện phức tạp và tốn kém nhất. Ngoài ra, khi đến đây, bạn đừng quên khám phá những ngôi nhà truyền thống của người Toraja. Kete Kesu là điểm đến luôn đông du khách. Nội thất của một số tòa nhà trung tâm thị trấn, đặc biệt là nơi lưu trú dành cho du khách cũng được áp dụng các yếu tố truyền thống của Toraja. Khách nghỉ chân sẽ được đối xử như một người đang sống ở đây. Điều này sẽ khiến bạn cảm nhận rõ hơn về điểm đến nổi tiếng này.
Các điểm du lịch nổi tiếng thường nằm xa trung tâm. Phương tiện di chuyển thuận tiện nhất để đi thăm thú là xe máy. Các điểm lưu trú luôn có dịch vụ cho thuê xe, giá tính theo ngày.
Theo Phong Vinh/ Vnexpress
Gọi ngay 1900 1870 (miền Nam), 1900 2045 (miền Bắc) hoặc 1900 2087(Miền Tây) để được tư vấn khách sạn Bali giá tốt từ iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
from » Điểm đến http://bit.ly/2IGkcoJ
via
IFTTT
Leave a Comment