Cô gái Việt bật mí 48 giờ khám phá hai cổ trấn ở Trung Quốc

Khác biệt với khung cảnh lộng lẫy, nhộn nhịp của Phượng Hoàng cổ trấn, thị trấn Phù Dung khoác lên mình vẻ đẹp yên bình và cổ kính.

Cô gái Việt bật mí 48 giờ khám phá Phượng Hoàng cổ trấn & Phù Dung cổ trấn ở Trung Quốc

Trong chuyến đi dài ba ngày hai đêm, Lan Hương (Hà Nội) đã có những trải nghiệm đáng nhớ ở hai thị trấn cổ kính, mang hai sắc thái hoàn toàn khác biệt của tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).

Trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến tỉnh Hồ Nam vào mùa đông năm 2018, khung cảnh tuyết trắng bao phủ những con đường đá của Phượng Hoàng cổ trấn khiến tôi đem lòng yêu mến vùng đất này. Vì vậy, vào cuối tháng 5, tôi quyết định trở lại nơi đây để kiếm tìm những cảm xúc thân thuộc nhưng mới mẻ vào mùa hạ.

Vào mùa đông, nhiệt độ của Phượng Hoàng cổ trấn có thể xuống tới âm 5 độ. Ảnh: Lan Hương.

Vào mùa đông, nhiệt độ của Phượng Hoàng cổ trấn có thể xuống tới âm 5 độ. Ảnh: Lan Hương.

Thay vì di chuyển bằng tàu như chuyến đi trước, lần này tôi chọn tuyến bay thẳng tới Trương Gia Giới. Chúng tôi đến nơi vào 23h giờ địa phương, thành phố lúc này đã chìm vào giấc ngủ, các quán hàng cũng bắt đầu thu dọn và đóng cửa. Vì vậy, cả nhóm về khách sạn nghỉ ngơi và chuẩn bị cho ngày mai.

Ngày đầu tiên, sau khi thức dậy và dùng bữa tại khách sạn, đoàn bắt đầu chuyến đi vào 8h30 sáng. Điểm đến đầu tiên là Phù Dung cổ trấn, nằm cách thành phố Trương Gia Giới khoảng 100 km về hướng Tây Nam.

Phù Dung là một thị trấn cổ có lịch sử hơn 2.000 năm ở huyện Vĩnh Thuận, thuộc châu tự trị của người dân tộc Thổ Gia và Miêu. Thị trấn được xây dựng bên cạnh thác nước trên vùng núi cao của Trung Quốc, vì vậy hoạt động tham quan ở đây chủ yếu là đi bộ.

Khi nhóm chúng tôi đến nơi, mặt trời đã lên cao và tiết trời khá nắng nóng. Từ cổng chính, chúng tôi bắt đầu đi men theo những con đường đá vào bên trong thị trấn. Khác biệt với mùa đông, Phù Dung trấn khá vắng vẻ vào mùa hè, không gian cũng tĩnh mịch hơn. Đường đi ở đây khá hẹp, lát đá, dọc hai bên là những ngôi nhà gỗ cổ kính cùng các quầy hàng địa phương. Theo quan niệm của người Thổ Gia, màu vàng và đỏ là những màu tượng trưng cho vượng khí, vì vậy mỗi ngôi nhà đều treo một quả bí ngô trước hiên nhà.

Kiến trúc nhà ở, cầu, hành lang ở Phù Dung trấn đều được xây dựng và cố định bằng gỗ. Ảnh: Lan Hương.

Kiến trúc nhà ở, cầu, hành lang ở Phù Dung trấn đều được xây dựng và cố định bằng gỗ. Ảnh: Lan Hương.

Sau khi chụp ảnh ở Trâu khê đồng trụ và bái thủ đường, chúng tôi theo cầu Vương Kiều, cây cầu bắc qua dòng suối trước đây chỉ dành cho Thổ Vương đi qua, vào phố cổ. Tới nơi, hương thơm nhè nhẹ của các món ăn lan tỏa trong không khí khiến cả đoàn đói bụng. Vì vậy, trước khi tìm đến nhà Thổ Vương, chúng tôi dừng chân ở một quán ăn, nơi có tầm nhìn toàn cảnh thị trấn, dùng bữa và lắng nghe tiếng chảy róc rách của dòng suối. Món ăn chúng tôi chọn là một loại mỳ gạo, nấu với nước dùng cay và một ly sữa đậu địa phương. Giá của bữa ăn là 25 tệ, hơn 80.000 đồng.

Tạm biệt Phù Dung, cả đoàn đi ngược lại con đường đá bên suối, nơi người dân thường đánh bắt các loài thủy sản nhỏ cũng như sơ chế thịt vịt. Quay lại bái thủ đường, chúng tôi đã may mắn khi được chiêm ngưỡng màn biểu diễn múa, hát dân gian cùa đoàn ca múa kịch địa phương.

Trời nắng, chúng tôi lại lên xe sớm để tới Phượng Hoàng cổ trấn. Khi dòng Đà Giang hiện ra lấp lánh dưới ánh nắng cuối chiều, khu phố cổ Phượng Hoàng cổ trấn vẫn đông đúc người qua lại. Cả đoàn đến cầu Đá Nhảy, cây cầu được nhiều người chụp ảnh nhất khi đến thị trấn này. Vào cuối tháng 5, khi nước sông dâng lên cao, điểm chụp ảnh hút khách trở nên khá nguy hiểm. Đứng từ xa nhìn lại, cây cầu như biến mất trong làn nước, những người qua lại trên đó tựa đang đi trên mặt sông.

Sau trận lũ lớn năm 2010, những ngôi nhà bên sông Đà Giang đã được gia cố bằng gạch và xi măng. Ảnh: Lan Hương.

Sau trận lũ lớn năm 2010, những ngôi nhà bên sông Đà Giang đã được gia cố bằng gạch và xi măng. Ảnh: Lan Hương.

Đi ngược lại phía phố cổ, chúng tôi rủ nhau thử những món ăn của trấn cổ trước khi về khách sạn. Đồ ăn ở đây trông đẹp mắt, hương vị lạ, thơm nồng mùi ớt cay không phải thực khách nào cũng hợp. Với tôi, món ngon nhất là lạp xưởng chiên, đậu hũ thối và bánh tép nhảy.

Buổi tối sau khi dùng bữa tại khách sạn, chúng tôi cùng quay lại trấn cổ để ngắm cảnh sắc về đêm. Giá taxi di chuyển từ khách sạn tới cầu Hồng Kiều là 15 tệ (52.000 đồng). Trái ngược với nét cổ kính yên bình vào ban ngày, Phượng Hoàng cổ trấn về đêm náo nhiệt với những quán cafe, quán bar dọc hai bên dòng sông. Để thoát khỏi đám đông, tôi len lỏi theo con đường đá vào sâu bên trong cổ trấn, nơi có nhiều hàng quán địa phương. Tại đây, tôi đã mua kẹo vừng, bánh trung thu và lạp xưởng, những món đặc trưng của nơi đây.

Ngày thứ hai, tôi đi bộ tới Phượng Hoàng cổ trấn khi mặt trời vừa hé rạng, lúc này tiết trời trong trẻo và se se lạnh. Qua cầu Hồng Kiều, tôi lập tức bị thu hút bởi quán bánh bao hấp bên đường. Từng chiếc bánh nhỏ được đặt vào khay hấp, nóng hổi trong làn khói nghi ngút. Khi ăn có vị ngọt dẻo của bột gạo và vị mặn cay của nhân thịt. Mỗi khay có giá 10 tệ (35.000 đồng) với khoảng 7 chiếc bánh nhỏ. Ngoài bánh, tôi mua thêm một ly trà sữa đậu đỏ cho bữa sáng ấm áp.

Cả buổi sáng, tôi đi dạo và chụp ảnh trong cổ trấn, lặng nhìn những chiếc thuyền gỗ lững lờ bên sông, ngắm những góc phố treo ô và đèn lồng. Lúc này, thị trấn hiện lên với vẻ đẹp yên bình, cổ kính. Với tôi, hình ảnh đẹp nhất ở đây có lẽ là cuộc sống thường ngày của người dân. Bên dòng nước xanh thẳm của Đà Giang, người bắt tép, người câu cá, người tất tả với gánh hàng sớm hay giặt giũ áo quần.

Sau khi rời Phượng Hoàng cổ trấn, tôi trở lại khách sạn, dùng bữa ở một quán ăn nhỏ bên đường và chuẩn bị hành lý ra sân bay. Ngồi trên xe, tôi vẫn chưa thôi nghĩ về những con đường đá quanh co, người dân hiền hậu, món ăn ngon và tiết trời se lạnh ở thị trấn.

Những lưu ý khi du lịch tỉnh Hồ Nam:

Người dân tỉnh Hồ Nam không sử dụng tiếng Anh, vì vậy nếu không thông thạo tiếng Trung và giao thông ở đây, du khách có thể chọn du lịch theo tour. Bên cạnh đó, bạn nên đổi tiền trước khi đi vì hàng quán không nhận ngoại tệ. Khi mua hàng ở đây, du khách có thể hỏi giá tiền và mặc cả trước khi chọn mua.

Để tham quan hai cổ trấn, khách tham quan chủ yếu phải đi bộ, nên giày lười hay giày thể thao là món đồ hữu ích trên đường du lịch. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo ô, áo khoác ngay cả khi đến đây vào mùa hè, vì trời thường có mưa bất chợt và nhiệt độ giảm vào ban đêm.

Wi-Fi ở các khách sạn có chất lượng không tốt, để tránh gián đoạn liên lạc, du khách có thể mua trước SIM 3G, 4G tại Việt Nam, loại sim này cũng cho phép du khách sử dụng Facebook và Google.

Ngoài 2 cổ trấn, tỉnh Hồ Nam còn có quần thể di tích núi Thiên Môn Sơn, nằm cách trung tâm thành phố Trương Gia Giới khoảng 10 km. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm quãng đường 99 khúc cua, ngắm cổng trời tự nhiên và tham quan con đường trên không dẫn lên đỉnh.

Theo Lan Hương/Vnexpress

Gọi ngay 1900 1870 (miền Nam) hoặc 1900 2045 (miền Bắc) hoặc 19002087 (Miền Tây) để được tư vấn khách sạn Trung Quốc giá ưu đãi tốt nhất tại iVIVU.com

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com



from » Điểm đến https://ift.tt/2Z5X4JF
via IFTTT

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.