Làng trống Đọi Tam – Âm vang tiếng trống ngàn năm
Với lịch sử phát triển ấn tượng, hơn 1000 năm, làng trống Đọi Tam nổi tiếng về sản phẩm trống truyền thống. Ngày nay, làng nghề còn phát triển thêm nhiều sản phẩm mới bắt kịp xu thế thị trường.
Làng trống Đọi Tam – Âm vang tiếng trống ngàn năm
Làng nghề làm trống Đọi Tam nằm dưới chân núi Đọi, một trong những ngọn núi có vị thế đẹp ở Hà Nam. Đây cũng là nơi sản xuất hai quả trống Sấm lớn nhất Việt Nam và giàn trống hội phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Người già đến trẻ nhỏ Đọi Sơn đều thuộc lòng truyền thuyết về hai anh em ông tổ làng nghề Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Khi nghe tin vua Lê Đại Hành sắp về làng làm lễ tịch điền khuyến nông, hai ông liền về nhà hạ cây mít lấy gỗ, thịt con trâu lấy da để làm trống đón vua.
Mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành đã xuống ruộng hành lễ tịch điền ở Đọi Sơn trong tiếng trống của anh em Năng, Bản. Cũng chính bởi tiếng trống vang như sấm mà sau này hai ông được tôn làm Trạng Sấm và Đọi Sơn là làng nghề hiếm hoi còn nhớ năm sinh, năm mất của cụ tổ nghề Nguyễn Đức Năng (925-990).
Làng trống Đọi Tam có tục lệ cha truyền con nối. Con trai trong làng thường học cách làm trống từ 12, 13 tuổi và khi lên 14,15 tuổi sẽ được theo ông, cha đi khắp nơi để làm trống. Người trong làng cứ nghe tiếng trống Đọi Tam như nghe thấy tiếng đập của trái tim mình. Nghề làm trống đã thấm vào từng mạch máu, thớ thịt của các nghệ nhân.
Trống của làng Đọi Tam là sản phẩm đặc biệt với nhiều công năng như: trống thờ, trống trong nghệ thuật dân gian, trống được sử dụng là công cụ truyền tải thông tin… Vì vậy, trống là sản phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.
Để làm ra chiếc trống hoàn chỉnh, các nghệ nhân Đọi Tam rất dày công, tỉ mỉ trau chuốt với ba khâu quan trọng: làm da, làm tang và bưng trống. Người thợ trống đã đúc kết được kinh nghiệm làm trống qua câu ca: “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”.
Da trống được làm bằng da trâu. Lớp phôi da trâu được cạo mỏng rồi đem phơi khô. Tang trống được làm bằng gỗ mít khô xẻ cong. Mỗi cây gỗ khác nhau được chia làm nhiều dăm khác nhau. Sau đó, thợ sẽ làm cho các dăm được gắn kết tạo thành chiếc trống kín, khít và tròn. Ngoài ra, dăm trống không được nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh của trống.
Bưng trống là công đoạn khó nhất, không chỉ căng tròn da trâu lên bề mặt trống rồi dùng đinh tre đóng cố định vào thân trống. Việc bưng trống còn đòi hỏi người làng trống Đọi Tam phải có đôi tai thính nhạy để thẩm định được tiếng trống gắn vào nốt nhạc nào.
Trống Đọi Tam có nhiều loại và giá thành khác nhau, dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà các nghệ nhân sản xuất ra những chiếc trống với các kích cỡ khác nhau, người mua có thể đặt hàng các loại trống đặc biệt với giá có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Hiện trên địa bàn thôn Đọi Tam có 62 cơ sản xuất giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động. Năm 2004, làng trống Đọi Tam đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống. Đến năm 2019, nghề làm trống ở Đọi Tam được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài ra, việc đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng kỹ thuật làm trống để chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm liên quan như làm thùng rượu, bồn tắm sinh học, thùng đựng gạo phong thủy… đã giúp làng trống Đọi Tam phát huy nghề truyền thống và giữ gìn nghề nghiệp ngàn năm của cha ông.
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Chuối ngự Đại Hoàng – Đặc sản “tiến vua” của Hà Nam
Click đặt ngay khách sạn Hà Nam giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com!
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
from » Điểm đến https://ift.tt/pvKy8h9
via IFTTT
Leave a Comment